“TUYÊN BỐ 258” ĐI NGƯỢC LẠI VỚI TINH THẦN TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN?

on Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013
“TUYÊN BỐ 258” ĐI NGƯỢC LẠI VỚI TINH THẦN TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN? 


Sự việc một số người được cho là đại diện của nhóm “Mạng lưới Blogger Việt Nam” tới Đại sứ quán Thụy Điển cũng như sang Bangkok để gặp một số tổ chức quốc tế trao cái gọi là “Tuyên bố 258” đang được một số hãng truyền thông cũng như trang Web, blog thù địch nhà nước Việt Nam như BBC, danlambao,quanlambao… đưa tin ầm ĩ. Nội dung mấu chốt của cái gọi là “tuyên bố 258” là yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải xóa bỏ Điều 258 trong Bộ luật hình sự. Xoay quanh câu chuyện này thiết nghĩ cần trao đổi mấy vấn đề sau:
Một là, họ viện dẫn điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới” để phủ nhận điều 258 Bộ luật hình sự Việt Nam. Họ cho rằng Điều 258 đã vi phạm tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên họ đã cố tình quên đi rằng các quy định trong luật nhân quyền quốc tế không chỉ đề cập tới quyền mà còn đề cập đến trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng đồng. Tại Khoản 1 Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền quy định “Mỗi người đều có những nghĩa vụ với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển một cách tự do và trọn vẹn.” Theo khoản 2 của Điều này thì mỗi người, trong khi hưởng thụ các quyền tự do cá nhân phải chịu những hạn chế do luật định nhằm bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do cá nhân của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh trong một xã hội dân chủ. Như vậy là cộng đồng quốc tế cũng nhấn mạnh rằng khi mỗi cá nhân thực hiện quyền của mình cần phải phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung của xã hội. Chính vì vậy việc Việt Nam quy định về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức” cũng là điều hoàn toàn bình thường và phù hợp với tinh thần của Quốc tế. Vậy cớ làm sao họ lại cho rằng Việt Nam phải xóa điều luật này.
Hai là, trong Tuyên bố 258 họ viện dẫn một số trường hợp vừa bị các cơ quan chức năng khởi tố vì tội theo Điều 258 như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, xem đây là các bằng chứng chứnh minh sự vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam qua điều luật này. Theo họ, các nhân vật này không phạm tội mà chỉ thể hiện tự do tư tưởng. Tuy nhiên họ đã cố tình quyên đi rằng, những điều mà Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào viết trên blog của mình không chỉ dừng lại ở sự thể hiện tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của cá nhân nữa mà hoạt động đó đã xâm hại tới lợi ích của nhà nước. Cả Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào từ sự huyễn hoặc về bản thân, quá đề cao cái tôi cá nhân cùng với những cái nhìn lệch lạc đã viết nhiều bài có nội dung xúc phạm lãnh đạo, xúc phạm lãnh tụ (Như Trương Duy Nhất xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh-vị cha già kinh yêu của dân tộc). Thậm chí một số bài viết trên blog của hai nhân vật này còn có nội dung xuyên tạc, bịa đặt gây tổn hại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Như vậy theo tinh thần của luật quốc tế về nhân quyền thì những bài viết đó đã vượt qua giới hạn của sự tự do ngôn luận cá nhân. Hành vi của họ là hình vi vi phạm pháp luật rõ ràng và phải chịu sự chế tài của pháp luật.
Có lẽ chỉ cần hai điểm đấy thôi mọi người cũng đã nhận ra sự phi lý của cái gọi là “Tuyên bố 258”. Chắc hẳn rằng các tổ chức quốc tế cũng như Đại sứ quán Thụy Điển cũng sẽ dễ nhận thấy những điểm “ngớ ngẩn” của “tuyên bố 258” này và sớm vất vào sọt rác thôi.