HỌ MUỐN GÌ QUA CÁI GỌI LÀ “TUYÊN BỐ 258”

on Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013
HỌ MUỐN GÌ QUA CÁI GỌI LÀ “TUYÊN BỐ 258” 


Cái gọi là “tuyên bố 258” đang được tung hô trên khá nhiều các trang mạng như BBC, RFA, RFI, bauxite việt nam, danlambao… Hành động của một số người trẻ tuổi trong cái gọi là “Mạng lưới blogger Việt Nam” sáng tác ra và gửi “tuyên bố 258” tới một số cá nhân, tổ chức quốc tế đang được các trang “lá cải” trên xưng tụng, tâng bốc như những anh hùng. Tuy nhiên đối với Viễn tôi và nhiều người chỉ cần nhìn qua một chút xíu thôi cũng đủ để nhận ra sự phi lý của cái gọi là “tuyên bố 258” và dụng ý thật sự của những người sáng tác ra tuyên bố này.
Thứ nhất, như bài viết trước Viễn đã đề cập, “tuyên bố 258” dựa trên cơ sở là Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền nhưng thực ra những người làm ra “tuyên bố 258” đã cố tình quên đi mặt thứ hai của quyền tự do theo tinh thần của Tuyên ngôn đó là các việc thực hiện các quyền tự do đó không được làm tổn hại lợi ích của người khác, của xã hội và lợi ích của nhà nước. Tất cả các nhà nước đều có quyền đề ra các quy định của luật pháp để cụ thể hóa tinh thần đó của Tuyên ngôn. Điều 258 Bộ luật hình sự Việt Nam do đó hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Mọi người đều có quyền thực hiện quyền tự do cá nhân nhưng nếu việc thực hiện quyền đó đi quá giới hạn, xâm hại lợi ích của người khác, xã hội và nhà nước đều sẽ bị xử lý. Đến như một nước mà họ vẫn thường ca tụng là “thiên đường của tự do” như nước Mỹ thì hiện nay chính quyền cũng đang sôi sục tìm mọi cách để xử lý Snowden liên quan tới việc anh này tiết lộ các thông tin mật gây tổn hại lợi ích nước Mỹ.
Thứ hai, xoay đi xoay lại trong “tuyên bố 258” vẫn là đòi nhà nước phải để cho Internet được tự do tuyệt đối, nhà nước không được quản lý mạng Internet. “Tuyên bố” này thực chất cũng chỉ là một trong vô vàn các luận điệu, chiêu bài mà thời gian gần đây các đối tượng chống đối, thù địch nhà nước Việt Nam đưa ra nhằm phản đối việc Chính phủ ban hành Nghị định 72 về quản lý mạng Internet sẽ có hiệu lực vào 1/9 tới. Chúng ta biết rằng Việt Nam cũng như bất kỳ nước nào trên thế giới, việc quản lý Internet là một yêu cầu tất yếu nhằm khai thác mặt tích cực của Internet và hạn chế những tác động tiêu cực của nó gây tổn hại tới lợi ích quốc gia. Do đó đòi hỏi nhà nước phải bãi bỏ Nghị định 72 là điều hoàn toàn phi lý.
Thứ ba, trong “tuyên bố 258” họ cho rằng phải để cho các người viết blog được tự do hoàn toàn đưa bất kỳ thông tin nào họ muốn mà không bị xử lý. Đây cũng lại là một điểm phi lý nữa. Giả sử như các anh thông qua mạng đưa các thông tin gây tổn hại lợi ích nhà nước như Snowden hay đưa các thông tin kích động, lật đổ cũng “vô tư” à. Không có bất kỳ một nhà nước nào chấp nhận chuyện đó. Mới đây, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Adana đã bắt giữ 13 blogger bị cáo buộc đã phát tán trên internet thông tin kích động lật đổ, chuẩn bị các hoạt động chủ ý phá hoại, lôi kéo dân chúng xuống đường. Cơ quan an ninh Adana cho rằng, nhóm blogger này "sử dụng các mạng xã hội để lan truyền những tuyên cáo kích động sự bất mãn và giận dữ". Chính thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng đã từng phát biểu “dịch vụ blog cá nhân xâm hại sự bình yên của đất nước, là nguồn phát tán các thông tin sai lạc”. Do đó, những đòi hỏi như vậy là hoàn toàn phi lý và không có cơ sở.
Thứ tư, những người sáng tác ra “tuyên bố 258” này thực chất đang muốn tìm cách gỡ tội cho những đối tượng vi phạm pháp luật vừa bị bắt, khởi tố thời gian vừa qua như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy… Đây là những đối tượng đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng blog cá nhân để đưa lên nhiều thông tin sai lạc thậm chí là bịa đặt. Hành vi của họ đã gây ảnh hưởng xấu tới xã hội do đó họ phải chịu sự chế tài của pháp luật. Họ đã bị khởi tố về tội theo Điều 258 Bộ luật hình sự. Thế nên nay với việc một số người sáng tác ra “tuyên bố 258” với yêu sách đòi xóa bỏ Điều 258 có lẽ mục đích chính của họ là để nhằm gỡ tội cho các đối tượng này, đòi Nhà nước Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho các đối tượng.
Tóm lại, những yêu sách trong cái gọi là “tuyên bố 258” hoàn toàn không có cơ sở. Việc một số người vẽ ra cái “tuyên bố” này phải chăng là do có sự giật dây, chỉ đạo của các thế lực thù địch nhà nước Việt Nam nhằm chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân ta. Tất nhiên những “tuyên bố” kiểu này chẳng có tí giá trị nào và chắc chắn cũng sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng thôi.